Nhật Kí Gian Rắc Rối
Hàng ngày, Giannino Stoppani, còn được biết đến với cái tên Gian Rắc Rối, ghi lại trong nhật kí của cậu những sự kiện xảy ra với cậu và gia đình. Vì luôn được dạy rằng không được nói dối, những điều Giannino ghi lại trong nhật kí đều là sự thật, kể cả điều mà cậu không nên hoặc không thể nói, hoặc những điều mà các thành viên trong gia đình không muốn cậu biết. Và tất nhiên, Giannino đã gây ra hàng loạt tình huống dở khóc dở cười. Từ những chi tiết truyện dí dỏm, tác giả Vamba gián tiếp châm biếm một nền giáo dục sai lầm trong gia đình và trường học của nước Ý lúc bấy giờ. Không phải vô cớ mà Vamba lại viết một cuốn nhật kí “dành cho trẻ em Ý để rồi cả bố mẹ chúng cũng đọc được.”
—
VAMBA (Luigi Bertelli)
Sinh năm 1858 và qua đời vào năm 1920 tại Florence. Ông theo học tại trường Pie và có một thời gian ngắn làm nhân viên đường sắt nhà nước. Sau đó, ông nghỉ việc và chuyển tới sống tại Rome để theo đuổi sự nghiệp viết báo chính trị và báo chí trào phúng. Ông đã cộng tác với một vài tờ báo tự do xuất bản định kì cho đến khi quyết định chuyển từ viết báo cho người lớn sang viết báo cho thiếu nhi.
Cuốn sách đầu tiên của ông mang tên Ciondolino (1893), được coi là cuốn cổ tích khoa học dành cho trẻ em đầu tiên tại Ý và đã mang lại thành công cho ông. Vamba cống hiến cho văn học thiếu nhi vô số các tác phẩm, trong đó có thể kể đến cuốn Nhật kí Gian Rắc Rối (1912), Những cuốn tiểu thuyết dài dành cho những đứa trẻ không bao giờ hài lòng, Những bài thơ hài hước và tình cảm về Câu chuyện của một chiếc mũi và các tác phẩm khác.
Trong suốt cuộc đời mình, Vamba, như chính ông tự viết lại, “không thể tìm thấy giới hạn nào cho tuổi thơ của mình” – tuổi thơ luôn là trái tim, là niềm tin và niềm cảm hứng của ông. Vamba luôn biết cách mang “tinh thần trẻ thơ” vào những tác phẩm của mình và pha trộn vào đó nét hóm hỉnh để đưa ra những bài học tinh tế. Đó cũng chính là lí do khiến những tác phẩm của ông trở thành những tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi.